Giới thiệu
2022-10-14T16:07:07+07:00
2022-10-14T16:07:07+07:00
https://khuqldb4.gov.vn/khuqldb4/vi/about/gioithieu.html
/khuqldb4/themes/khuqldb4/images/no_image.gif
https://khuqldb4.gov.vn/khuqldb4/tailen/logo_tong_cuc_duong_bo_viet_nam.png
I. Vị trí và chức năng
1. Khu Quản lý đường bộ IV là tổ chức trực thuộc Cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (sau đây gọi tắt là Cục trưởng) quản lý nhà nước về giao thông đường bộ trong khu vực quản lý; trực tiếp quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ và đường khác được giao trong khu vực quản lý gồm các tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Tiền
Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
2. Khu Quản lý đường bộ IV là tổ chức hành chính tương đương chi cục, có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham gia xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành:
a) Văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật, cơ chế, chính sách, quy định về công tác thanh tra chuyên ngành và quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
b) Quy hoạch, kế hoạch trung hạn và hàng năm; các chương trình, dự án, đề án về giao thông vận tải đường bộ trong khu vực quản lý.
2. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án về giao thông vận tải đường bộ trong khu vực quản lý; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường bộ.
3. Về tổ chức quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ và đường khác được giao:
a) Quản lý kết cấu hạ tầng, theo dõi, báo cáo và cập nhật số liệu về tình trạng kỹ thuật công trình đường bộ vào cơ sở dữ liệu đường bộ;
b) Tổ chức giao thông; rà soát, đặt hệ thống báo hiệu đường bộ, mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ;
c) Chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu; cấp phép, thỏa thuận thi công xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;
d) Chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông, cấp phép thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ theo thẩm quyền;
đ) Lập, trình phê duyệt kế hoạch bảo trì đường bộ hàng năm;
e) Trực tiếp tổ chức thực hiện việc quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ đối với các tuyến đường được giao quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt theo quy định;
g) Tổ chức thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai trên quốc lộ theo quy định; tổ chức phân luồng, đảm bảo giao thông khi có thiên tai, sự cố công trình;
h) Tổ chức thẩm định an toàn giao thông; xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên quốc lộ đang khai thác; thống kê tai nạn giao thông, cầu yếu, vị trí mất an toàn giao thông; triển khai các dự án về an toàn giao thông đường bộ theo thẩm quyền;
i) Tổ chức quản lý, sửa chữa, mua sắm phương tiện, thiết bị, vật tư dự phòng đảm bảo giao thông (bao gồm cả phương tiện, thiết bị cứu hộ, cứu nạn được giao), quản lý vật tư thu hồi từ các dự án theo quy định;
k) Kiểm tra, giám sát công tác bảo trì đường bộ theo quy định;
l) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư đối với các dự án bảo trì quốc lộ theo phân cấp của Cục trưởng;
m) Kiểm tra hiện trường, có ý kiến gửi cơ quan chức năng về đấu nối đường nhánh vào quốc lộ được giao quản lý theo quy định của pháp luật;
n) Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng các tuyến quốc lộ và các tài sản khác được giao; lập hồ sơ theo dõi, điều chỉnh tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định;
o) Kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố công trình khi có dấu hiệu nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho khai thác sử dụng;
p) Tổ chức thực hiện lập, sửa đổi quy trình bảo trì; quan trắc công trình; đánh giá an toàn công trình; xử lý công trình hết thời hạn sử dụng theo thiết kế, phá dỡ công trình theo quy định;
q) Quản lý, hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ trên các tuyến quốc lộ được giao.
4. Đối với quốc lộ ủy quyền Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải – Xây dựng (sau đây gọi chung là Sở Giao thông vận tải) quản lý:
a) Kiểm tra hoạt động quản lý, bảo trì của Sở Giao thông vận tải trong khu vực quản lý theo phân cấp, ủy quyền của Cục trưởng;
b) Quyết toán dự án hoàn thành theo ủy quyền của Cục trưởng;
c) Phối hợp khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phân luồng đảm bảo giao thông khi có thiên tai, sự cố công trình;
d) Kiểm tra hiện trường, có ý kiến gửi cơ quan chức năng về đấu nối đường nhánh vào quốc lộ theo quy định của pháp luật;
đ) Tham gia kiểm tra công tác lập kế hoạch vốn quản lý, bảo trì của các Sở Giao thông vận tải;
e) Hạch toán giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ trên các tuyến quốc lộ ủy quyền cho địa phương quản lý.
5. Đối với dự án đầu tư xây dựng theo phương thức đối tác công tư trên quốc lộ được giao quản lý:
a) Hướng dẫn doanh nghiệp dự án trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và cập nhật dữ liệu vào cơ sở dữ liệu đường bộ;
b) Cấp giấy phép hoặc thỏa thuận thi công; kiểm tra việc tuân thủ giấy phép, công tác đảm bảo giao thông và an toàn giao thông trong quá trình thi công xây dựng;
c) Kiểm tra, theo dõi doanh nghiệp dự án trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tổ chức thu phí, đếm xe; xử lý vi phạm theo thẩm quyền;
d) Kiểm tra hiện trường, báo cáo cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đấu nối vào quốc lộ theo quy định;
đ) Chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định;
e) Thỏa thuận, kiểm tra, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam kế hoạch bảo trì do doanh nghiệp dự án lập; kiểm tra việc thực hiện theo quy định;
g) Phối hợp với doanh nghiệp dự án thực hiện phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phân luồng đảm bảo giao thông khi có thiên tai, sự cố công trình; khắc phục sự cố, xử lý công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trong khai thác, sử dụng theo quy định;
h) Kiểm tra doanh nghiệp dự án theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án; tiếp nhận công trình dự án sau khi hết thời hạn hợp đồng, hết thời hạn kinh doanh khai thác, thu phí của nhà đầu tư;
i) Lập, theo dõi hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng của Nhà nước tham gia vào dự án; kiểm tra doanh nghiệp dự án trong việc quản lý, sử dụng và bảo trì tài sản theo quy định.
6. Về giao thông địa phương:
a) Cập nhật, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam tình trạng kết cấu hạ tầng và tình hình phát triển hệ thống đường địa phương trong khu vực quản lý;
b) Phối hợp với cơ quan chức năng địa phương thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố công trình và tìm kiếm cứu nạn đường bộ trong khu vực quản lý;
c) Tham gia ý kiến về chuyển đổi giữa đường địa phương và quốc lộ.
7. Về quản lý vận tải, phương tiện và người lái:
a) Quản lý, cấp phát phôi giấy phép vận tải đường bộ quốc tế, phôi giấy phép lái xe theo ủy quyền của Cục trưởng; cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng theo quy định của pháp luật;
b) Tham gia hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ tại các địa phương trong khu vực quản lý;
c) Tham gia kiểm tra, giám sát công tác quản lý phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
d) Phối hợp điều tra tai nạn lao động xảy ra trên các phương tiện vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
8. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên quốc lộ trong khu vực quản lý theo thẩm quyền.
9. Tổ chức ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển giao công nghệ trong giao thông đường bộ, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án xây dựng, bảo trì đường bộ trong khu vực quản lý theo quy định.
10. Thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về giao thông đường bộ trong khu vực quản lý, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
11. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Khu theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Cục Đường bộ Việt Nam.
12. Quản lý tổ chức bộ máy, công chức, viên chức và người lao động; thực hiện chế độ, chính sách, tiền lương, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của Cục trưởng.
13. Quản lý tài chính, tài sản và nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật và ủy quyền của Cục trưởng.
14. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Cục trưởng giao và theo quy định của pháp luật.
III. Cơ cấu tổ chức
1. Phòng Tổ chức – Hành chính.
2. Phòng Kế hoạch – Tài chính.
3. Phòng Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
4. Phòng Thanh tra – An toàn.
5. Văn phòng Quản lý đường bộ IV.1.
6. Văn phòng Quản lý đường bộ IV.2.
7. Văn phòng Quản lý đường bộ IV.3.
8. Văn phòng Quản lý đường bộ IV.4.
9. Văn phòng Quản lý đường bộ IV.5.
10. Văn phòng Quản lý đường bộ IV.6.
Các tổ chức quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này là tổ chức tham mưu giúp việc Giám đốc Khu; các tổ chức quy định từ khoản 5 đến khoản 10 Điều này là tổ chức hành chính (tương đương phòng), giúp Giám đốc Khu tổ chức quản lý về giao thông đường bộ trong khu vực quản lý.
Văn phòng Quản lý đường bộ có trụ sở riêng, có con dấu theo quy định.
Giám đốc Khu quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức tham mưu giúp việc; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi quản lý của các Văn phòng Quản lý đường bộ thuộc Khu.